Ngành thép Việt Nam: Triển vọng và thách thức trong năm 2022

Năm 2021 đánh dấu bước ngoặt mang tính lịch sử của ngành thép Việt Nam với việc đã lập được kỳ tích khi lần đầu tiên ghi tên vào danh sách những sản phẩm có kim ngạch xuất khẩu trên 10 tỷ USD, đồng thời đưa nước ta trở thành nước xuất siêu thép sau nhiều năm nhập siêu. Bước sang năm 2022, trước nhiều biến động của thế giới, ngành thép được kỳ vọng tiếp tục phát triển, song theo dự báo cũng sẽ đứng trước nhiều rủi ro và thách thức.

Triển vọng tăng trưởng

 

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, năm 2021, sản lượng xuất khẩu sắt thép các loại đạt 13,096 triệu tấn, kim ngạch xuất khẩu đạt 11,795 tỷ USD, tăng 123,4% và nhập khẩu đạt 11,523 tỷ USD, tăng 42,6% so với cùng kỳ năm 2020; xuất siêu đạt 272 triệu USD.
Sản phẩm thép của Việt Nam đã được xuất khẩu đến hơn 30 thị trường trên thế giới. Riêng xuất khẩu thép xây dựng năm 2021 đã tăng gấp 1,5 lần so với cùng kỳ năm 2020, tương ứng khoảng 2,2 triệu tấn.
Một số thị trường chiếm tỷ trọng xuất khẩu thép lớn trong năm 2021 gồm: ASEAN đạt 3,093 tỷ USD chiếm 26,2% tổng kim ngạch, EU đạt 1,866 tỷ USD chiếm 15,98%, Trung Quốc 1,666 tỷ USD chiếm 14,12%, Mỹ đạt 1,365 tỷ USD chiếm 11,57%...
Hiệp hội Thép Việt Nam cho biết, trong năm 2021, mặc dù chịu nhiều tác động tiêu cực từ đại dịch Covid-19 khiến cho thị trường bất động sản kém sôi động, kèm theo đó là hoạt động xây dựng giảm sút, tình hình sản xuất, tiêu thụ trong nước bị ảnh hưởng do giãn cách xã hội, song sản xuất và bán hàng sản phẩm thép các loại vẫn tăng khá do kế thừa kết quả kinh doanh tốt của những tháng đầu năm 2021 và sự sôi động trở lại ở thị trường xuất khẩu những tháng cuối năm. Theo đó, sản xuất thép thô đạt khoảng 23 triệu tấn, tăng 16%; sản xuất thép thành phẩm các loại đạt 33 triệu tấn, tăng 19% và thép thành phẩm các loại đạt 29 triệu tấn, tăng 16% so cùng kỳ.
Bên cạnh đó, một số FTA thế hệ mới như CPTPP, EVFTA, RCEP,... được thực thi, đã mang đến những tín hiệu tích cực cho ngành thép khi có thêm thị trường xuất khẩu mới với sự tăng trưởng cao. Chính việc đẩy mạnh xuất khẩu đã giúp đa dạng hóa thị trường tiêu thụ khi thị trường trong nước bị ảnh hưởng do đại dịch Covid-19.
 


Ảnh minh họa: Nguồn internet
 
Đánh giá về những triển vọng tăng trưởng của ngành thép trong năm 2022, Công ty Chứng khoán Maybank Kim Eng (MBKE) cho biết, bước sang năm 2022, khi gói kích thích kinh tế 2022-2023 được thông qua sẽ nhanh chóng giúp thị trường trong nước hồi phục. Bên cạnh đó, gói đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng trị giá 150 nghìn tỷ đồng, cộng với mức 530 nghìn tỷ đồng đang có, sẽ giúp chi tiêu công tăng khoảng 38%. Các doanh nghiệp ngành thép kỳ vọng sẽ được hưởng lợi từ làn sóng đầu tư công trong năm 2022 khi nền kinh tế có nhiều tín hiệu lạc quan để có thể quay trở lại quỹ đạo tăng trưởng tốt khi dịch bệnh được kiểm soát. Thêm vào đó, những sự điều chỉnh về Luật Xây dựng, đầu tư và bất động sản sẽ giúp tháo gỡ nút thắt đang ngăn cản sự phát triển ngành bất động sản trong những năm gần đây. MBKE dự báo những yếu tố này sẽ giúp thị trường thép trong nước sẽ có được sự phục hồi, tăng trưởng từ 15% đến 20%.
Còn theo dự báo của Công ty Chứng khoán Mirae Asset (Masvn), năm 2022 ngành thép vẫn tiếp tục được đánh giá tích cực dựa trên các luận điểm: Giá thép cuộn cán nóng (HRC) kỳ vọng duy trì ở mức cao khi Trung Quốc và Úc tiếp tục căng thẳng thương mại, gây sức ép lên nguồn cung quặng sắt; Dự phòng sản lượng sản xuất toàn cầu phục hồi từ cuối năm 2021 và còn dư địa sang năm 2022; Sản lượng ngành thép nội địa phục hồi theo ngành bất động sản, xây dựng; Lãi suất giảm, tỷ lệ nợ vay/vốn chủ sở hữu giảm. Cuối cùng, Masvn cho rằng thị trường xuất khẩu thép trong năm 2022 sẽ tiếp tục rộng mở dưới tác động từ chiến tranh giữa Nga - Ukraine. Theo đó, hiện nay Nga xếp thứ 2 về xuất khẩu thép vào EU, với tỉ trọng 14,1% thép dẹt và 19% thép dài, Ukraine chiếm 8% thép dẹt và 7,4% thép dài, còn Belarus chiếm 14,4% thép dài. Việc thiếu hụt nguồn cung trên sẽ giúp các công ty thép Việt Nam tiếp tục hưởng lợi từ xuất khẩu, đặc biệt từ thị trường châu Âu và Mỹ. Cùng với đó, trong cả năm 2021, các chính sách thuế chống bán phá giá đối với Việt Nam không có sự thay đổi đáng kể, vẫn giữ nguyên ở mức rất thấp hoặc không có. Ngoại trừ một số sản phẩm xuất khẩu sang Thái Lan hay Úc, vốn chiếm dưới 5% tổng sản lượng xuất khẩu thép, do đó mảng xuất khẩu của ngành thép hứa hẹn tiếp tục có một năm 2022 tươi sáng.
Báo cáo của Công ty Chứng khoán VietcomBank (VCBS) cũng đã đưa ra nhận định, khi Trung Quốc giảm dần sản lượng xuất khẩu gây ra thiếu hụt cho các đối tác thường xuyên nhập khẩu thép từ nước này, sẽ mở ra cơ hội cho các quốc gia xung quanh, trong đó có Việt Nam.
Đối với thị trường châu Âu, các biện pháp tự vệ như áp dụng quota khiến các quốc gia đang xuất khẩu lớn vào châu Âu thời gian ngắn khó tăng sản lượng để đáp ứng nhu cầu tăng đột biến. Đây cũng sẽ là cơ hội cho doanh nghiệp thép Việt Nam xuất khẩu vào thị trường này. Cùng với đó, xét về giá, hiện giá thép sản xuất của doanh nghiệp Việt khá cạnh tranh do các nhà sản xuất tự chủ được nguồn cung thép cuộn cán nóng (HRC). Đặc biệt, tại Báo cáo đánh giá triển vọng thị trường thép Việt Nam, Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) cho rằng, năm 2022 cũng được dự báo sẽ tốt hơn khi Chính phủ ban hành chỉ đạo ổn định và phát triển các hoạt động sản xuất kinh doanh thích ứng linh hoạt với đại dịch Covid-19. Cùng với Nghị quyết 01/NQ-CP được ban hành ngày 09/01/2022 với các giải pháp phát triển, phục hồi kinh tế-xã hội và dự toán ngân sách năm 2022 cùng các giải pháp duy trì đà tăng trưởng, khai thác các động lực tăng trưởng mới được Chính phủ xác định trong năm 2022, gồm khôi phục, thúc đẩy sản xuất kinh doanh; đẩy mạnh xuất khẩu và đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, huy động mọi nguồn lực phát triển hạ tầng sẽ là trợ lực cho ngành thép phát triển mạnh hơn trong năm 2022…
Bên cạnh đó, với sự vào cuộc tích cực của Chính phủ và các ngành, các cấp, tình hình dịch Covid-19 được kiểm soát tốt hơn, tạo điều kiện cho các nhà máy thép hoạt động ổn định, đảm bảo nguồn cung thép cho thị trường trong nước cũng như xuất khẩu… những yếu tố đó sẽ góp phần giúp ngành thép duy trì sản xuất và phát triển. Hiệp hội Thép Việt Nam dự kiến, năm 2022 tăng trưởng sản xuất thép thô khoảng 8-10% so với năm 2021; sản xuất và tiêu thụ các sản phẩm thép thành phẩm có mức tăng trưởng tương ứng so với năm 2021…

Rủi ro và thách thức trong năm 2022

 

Mặc dù được đánh giá còn nhiều triển vọng phát triển, song thực tế cho thấy, sau một năm với nhiều thành công, bước sang năm 2022, các doanh nghiệp ngành thép Việt đang phải đối mặt với không ít thách thức, rủi ro trước những biến động của thị trường trong nước cũng như thế giới. Một số rủi ro được đề cập tới, như:
Rủi ro về biến động giá nguyên vật liệu. Các chuyên gia cho rằng, ngành thép và tôn mạ trong năm 2022 được dự báo sẽ có rủi ro lớn do chi phí nguyên liệu chiếm 65-75% giá thành sản xuất. Đặc biệt trong ngành tôn mạ, giá thép cuộn cán nóng (HRC) chiếm hơn 80% chi phí nguyên liệu đầu vào, khiến lợi nhuận của cả ngành biến động rất lớn theo HRC. Cùng với đó, giá than cốc, giá quặng sắt đã liên tục có xu hướng tăng rất mạnh trong những tháng đầu năm đã khiến thị trường xây dựng suy giảm tốc độ tăng trưởng, qua đó ảnh hưởng trực tiếp tới sản lượng.
Công ty Chứng khoán Mirae Asset cho biết, trong năm 2022, ngành bất động sản và xây dựng sẽ có được sự hồi phục, qua đó thúc đẩy sản lượng toàn ngành thép, tuy nhiên, sản lượng sẽ khó có tăng trưởng đột biến như năm 2021 khi hầu hết các công ty thép nội địa đã chạy hết công suất và chưa có những đại dự án mới được đưa vào. Do đó, công ty chứng khoán này dự phóng sản lượng thép toàn ngành năm 2022 đạt khoảng 33,3 triệu tấn, tăng 8% so với cùng kỳ năm 2021, trong đó, riêng sản lượng xuất khẩu đạt mức 8,7 triệu tấn, tăng 15% so với cùng kỳ 2021.
Rủi ro về thuế chống bán phá giá thị trường xuất khẩu: Có thể thấy, cùng với sự tăng trưởng mạnh mẽ trong hoạt động xuất khẩu, thép là một trong những mặt hàng bị nước ngoài khởi xướng điều tra phòng vệ thương mại nhiều nhất. Trong khi, hiện nay, thép Việt Nam không chỉ có mặt ở thị trường truyền thống là các nước Đông Nam Á, mà còn mở rộng ra các thị trường lớn, như châu Âu, châu Mỹ… Việc tăng nhanh kim ngạch xuất khẩu thép của Việt Nam khiến nhiều quốc gia chú ý và gia tăng điều tra áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại. Từ năm 2004 đến tháng 10/2021, số lượng vụ việc phòng vệ thương mại đối với thép xuất khẩu Việt Nam là 66 vụ, thậm chí, có nhiều vụ việc bị điều tra áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại với mức thuế suất áp dụng rất cao. Những vụ kiện về thuế chống bán phá giá thép hầu hết đến từ các thị trường trụ cột trong xuất khẩu thép của Việt Nam như Hoa Kỳ, EU, một số nước trong khu vực ASEAN. Đặc biệt, gần đây, Mexico nổi lên là thị trường khởi xướng nhiều vụ điều tra phòng vệ thương mại do kim ngạch xuất khẩu thép Việt Nam sang thị trường này gia tăng nhanh... Chính vì vậy, dự báo thời gian tới ngành thép sẽ phải đối mặt với không ít rủi ro về thuế chống bán phát giá thị trường xuất khẩu.
Nhận định của Công ty Chứng khoán Mirae Asset cũng cho biết, ngành thép Việt hiện nay xuất khẩu nhiều (19,56% tổng sản lượng bán hàng) sang các nước như Trung Quốc, EU, Mỹ… Do vậy vẫn tồn tại rủi ro rất lớn từ việc chính sách thuế quan sẽ thay đổi trong bối cảnh chiến tranh thương mại vẫn diễn ra giữa Trung Quốc và các nước.
Hoạt động xuất khẩu có thể gặp một số trở ngại khi giá vật liệu xây dựng ở mức cao. Tại thời điểm tháng 3/2022, giá thép xây dựng đã tăng lên mức 18,3 triệu đồng/tấn. Đây là một dấu hiệu cảnh báo cho thấy hoạt động xuất khẩu sắt thép sẽ gặp nhiều khó khăn. Bởi khi mức giá nguyên vật liệu xây dựng ở mức cao, một số dòng thép sẽ bị hạn chế xuất khẩu. Trong đó, phôi thép xây dựng là dòng sản phẩm được dự báo sẽ đối diện với nguy cơ này đầu tiên.
Ngoài ra, theo báo cáo của Công ty Chứng khoán Rồng Việt (VDSC), những thay đổi trong chính sách thương mại có thể ảnh hưởng đến biên lợi nhuận và sản lượng hàng xuất khẩu trong thời gian tới, khi sản lượng sắt thép xuất khẩu sang EU tăng mạnh có thể dẫn đến việc áp dụng hạn ngạch bắt đầu từ tháng 7/2022 đối với một số sản phẩm của Việt Nam. Bên cạnh đó, tháng 10/2021, Mỹ cũng đã đồng ý đưa ra hạn ngạch thuế quan cho EU, có hiệu lực vào tháng 1/2022. Theo đó, từ tháng 1 năm 2022 Mỹ sẽ dỡ bỏ mức thuế 25% hiện có đối với các sản phẩm thép EU cho mức hạn ngạch thuế quan là 3,3 triệu tấn (tương đương 12% khối lượng nhập khẩu của Mỹ). Trước tình hình đo VDSC cho rằng, các nhà sản xuất thép Việt Nam có thể tăng sản lượng xuất khẩu sang ASEAN khi nhu cầu từ châu Âu - Bắc Mỹ giảm. Tuy nhiên, biên gộp sẽ thấp hơn so với năm 2021
Trước những dự báo về triển vọng phát triển và thách thức đan xen trong năm 2022, để nắm bắt tốt cơ hội, hạn chế các rủi ro, doanh nghiệp ngành thép cần tiếp tục bám sát thị trường, có giải pháp nâng cao năng lực cạnh tranh, đẩy mạnh sản xuất, cải thiện công tác quản trị, thiết lập các chuỗi giá trị để mở rộng không gian xuất khẩu, phân tán rủi ro phòng vệ thương mại ở một số thị trường.
Đối với hoạt động xuất khẩu, các doanh nghiệp cần cẩn trọng với một số lo ngại liên quan các vấn đề về phòng vệ thương mại khi hoạt động xuất khẩu thép của Việt Nam đang ngày một tăng. Tập trung cải thiện năng lực pháp lý, nguồn lực tài chính, minh bạch hơn nữa hệ thống sổ sách kế toán theo chuẩn quốc tế để khi có yêu cầu về kiểm tra, doanh nghiệp hoàn toàn chủ động chứng minh sự minh bạch của sản phẩm…
Cùng với đó, để đồng hành cùng doanh nghiệp các cơ quan quản lý nhà nước cần có thêm những hỗ trợ cho doanh nghiệp trong việc áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại, cũng như ứng phó các vụ kiện phòng vệ thương mại của các nước đối với các mặt hàng thép xuất khẩu của Việt Nam nhằm giảm thiệt hại.
Thu Hòa

Tin tức liên quan